Tin Mới Nhất

Saturday, August 6, 2016

Việt Nam và 10 lễ hội đầu xuân nổi tiếng

Lễ hội là một trong những nét văn hóa độc đáo có từ lâu đời không thể thiếu trong những ngày đầu tháng Giêng của người dân Việt Nam. Ở mỗi địa phương lại có một lễ hội khác nhau, đồng thời cũng mang những nét riêng và đặc trưng nhất cho văn hóa của vùng đất và xứ sở đó.

Dưới đây là 10 lễ hội đầu xuân nổi tiếng khắp dọc miền đất nước:

Lễ hội chùa Hương - Hà Nội

Lễ hội Chùa Hương thường được khai hội từ ngày mùng 6 tháng giêng đến hết tháng 3 Âm lịch. Là lễ hội kéo dài nhất trong cả nước và đông nhất từ rằm tháng giêng đến 18/2 âm lịch. Mỗi mùa lễ hội thu hút hơn hàng triệu du khách từ khắp nơi kéo về tham gia. Du khách khi đến với lễ hội còn được đắm mình trong không gian của non nước mênh mông của suối Yến hay chiêm ngưỡng cảnh sắc hùng vĩ của động Hương Tích.

Lễ hội đền Gióng - Hà Nội

Lễ hội đền Gióng được tổ chức tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, theo truyền thuyết thì đây chính là nơi dừng chân cuối cùng của Thánh Gióng trước khi bay về trời. Lễ hội này thường được khai hội vào ngày 6/1 âm lịch hàng năm.

Lễ hội đền Gióng thường diễn ra trong 3 ngày với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như lễ khai quang, lễ dâng hương, lễ rước, dâng hoa tre lên đền Thượng nơi thờ Thánh Gióng. Lễ hội đền Gióng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Lễ hội Lồng Tông - Tuyên Quang

Lồng Tông là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang, được tổ chức vào mùng 8 tháng Giêng hàng năm với mong ước cầu một năm mới mưa thuận gió hòa, mong mùa màng bội thu và gia đình ấm no hạnh phúc.

Hầu như nhà nào cũng chuẩn bị các vật phẩm làm ra từ nông nghiệp để dâng lên các vị thần linh như bánh chưng, trứng luộc, thịt lợn, xôi ngũ sắc để đi cúng lễ. Bên cạnh phần làm lễ thì phần hội gắn liền với các trò chơi dân gian luôn được đồng bào và du khách đón đợi. Một số trò chơi đặc sắc như ném còn, múa rối, đi cà kheo, chọi gà, múa võ, đánh đu,  kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy và đặc biệt là văn hóa hát then.

Hội chùa Keo - Thái Bình

Lễ hội chùa Keo diễn ra vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Chùa Keo nằm ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Đây một trong những ngôi cổ tự nổi tiếng bậc nhất ở Việt Nam. Đặc biệt, gác chuông chùa Keo là một công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo.

Chùa thờ Không Lộ có công chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông được phong làm Quốc Sư. Bên cạnh phần lễ Phật còn có các trò chơi như bắt vịt, ném phảo và thi thổi cơm….

Lễ hội Yên Tử -  Quảng Ninh


Yên Tử là một trong những trung tâm Phật giáo của Việt Nam, mỗi năm vào mùa lễ hội thu hút hàng trăm nghìn lượt khách hành hương. Khai hội mùng 10 tháng Giêng. Ngoài điểm nhấn là công trình tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên khu vực An Kỳ Sinh đã khánh thành, lễ phật của du khách, phục vụ nhu cầu chiêm bái, lễ hội năm nay sẽ có nhiều hoạt động khác như lễ cầu an, lễ cầu phúc và tổ chức các chương trình về nguồn…

Hội Lim - Bắc Ninh


Hội Lim là một lễ hội lớn nhất của tỉnh Bắc Ninh được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm ở huyện Tiên Du. Khi đến với lễ hội này, du khách không chỉ được lắng nghe những câu hát quan họ say đắm lòng người từ hát mời trầu, câu gọi đò đến con sáo sang sông và con nhện giăng mùng. Mà còn được tham gia nhiều trò chơi dân gian như đấu vật, đấu võ, đấu cờ, thi dệt cửi, đu tiên, nấu cơm.

Lễ hội Bà chúa Kho - Bắc Ninh


Đây cũng là một lễ hội lớn tại miền Bắc, nhất là đối với giới kinh doanh, làm ăn buôn bán. Cuối năm trả nợ, đầu năm đi vay bà chúa Kho đã trở thành một phong tục tồn tại lâu đời tại Việt Nam. Đền bà chúa Kho nằm tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ngày khai hội vào 14.1 âm lịch. Lễ hội có tục dâng hương, khấn vay tiền Bà Chúa (tượng trưng) “cầu tài phát lộc”.

Hội Đền Trần - Nam Định


Lễ hội Đền Trần thường diễn ra từ ngày 12 đến 16 tháng Giêng hằng năm, với hai nghi thức được khôi phục là rước nước và tế cá. Bên cạnh đó, lễ phát ấn cho nhân dân và khách thập phương cũng được diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng (14/2). Đây cũng là một trong những lễ hội đặc sắc và lớn nhất cả nước.

Hội cầu ngư - Huế


Lễ cầu ngư được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng hàng năm. Trò diễn bủa lưới trong hội cầu ngư sẽ được tổ chức trước đình làng, tiếp theo đó là cuộc đua thuyền trên phá của các xã lận cận. Ngoài ra, kết thúc buổi lễ sẽ là buổi cơm thân mật giữa quan khách và dân làng ở địa phương. Được biết, lễ hội cầu ngư được tổ chức để tỏ lòng nhớ ơn vị cai canh làng là Trương Thiều hay được gọi một cách kính cẩn là Trương Quý Công.

Lễ hội núi Bà Đen - Tây Ninh

Lễ hội núi Bà Đen thường được khai mạc vào ngày mùng 4 Tết Nguyên Đán và kéo dài đến hết tháng Giêng hằng năm. Đây là lễ hội truyền thống nổi tiếng Tây Ninh và các tỉnh Đông Nam Bộ thu hút rất đông khách hành hương đổ về tham gia.

Du khách có thể lên chùa Bà trên núi bằng cách đi bộ hoặc đi bằng hệ thống máng trượt và cáp treo. Bên cạnh việc hành hương lễ Phật đầu năm, thì núi Bà Đen với độ cao 968 m còn là thử thách thú vị với nhiều bạn trẻ đam mê chinh phục.
Việt Nam và 10 lễ hội đầu xuân nổi tiếng
  • Title : Việt Nam và 10 lễ hội đầu xuân nổi tiếng
  • Posted by :
  • Date : 11:47 PM
  • Labels :
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 comments:

Post a Comment

Top